Sushi là một trong những món ăn được yêu thích nhất của Nhật Bản. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều nhà hàng sushi ở bất cứ đâu tại Nhật Bản cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới. Vậy có bao nhiêu loại sushi khác nhau và mỗi loại có đặc điểm đặc trưng gì? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để tìm hiểu về một số loại sushi phổ biến nhất ở Nhật Bản nhé!
Có những loại sushi nào?
Rất khó để đưa ra một con số chính xác là Nhật Bản có bao nhiêu loại sushi nhưng về cơ bản thì có 6 loại sushi phổ biến nhất ở đất nước này cùng với những cách chế biến sushi khác nhau. Ngoài ra còn có một loạt các món sushi địa phương ít được biết đến hơn có thể được tìm thấy trên khắp đất nước. Loại sushi này thường được chế biến từ các đặc sản địa phương, chẳng hạn như một số loại hải sản trong khu vực.
Sự khác biệt giữa Sushi và Sashimi là gì?
Sự khác biệt giữa sushi và sashimi nằm ở phần cơm đi kèm. Cơm là thành phần thiết yếu trong các món sushi, thường là cá sống hoặc hải sản thái lát kết hợp với một loại cơm trộn với giấm được gọi là “shari”. Sushi thường có hải sản nhưng cũng có nhiều nguyên liệu khác được sử dụng trong các món sushi như trứng, thịt bò hoặc rau, nhưng sẽ luôn đi cùng với một nguyên liệu không thể thiếu là cơm sushi.
Sashimi là tên gọi của những lát cá, hải sản và thịt sống. Tương tự như sushi, sashimi thường được ăn với wasabi và nước tương để tăng thêm hương vị. Sashimi có thể vừa là món phụ đồng thời vừa là món chính. Các loại cá phổ biến nhất được sử dụng làm sashimi ở Nhật Bản là cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá tráp biển. Các loại hải sản như mực, bạch tuộc và sò điệp cũng rất phổ biến.
6 loại Sushi phổ biến nhất ở Nhật Bản
Nigiri Sushi
Nigiri sushi là món ăn mà hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến khi nhắc về sushi. Tên của món sushi này có nghĩa là “sushi được nén bằng tay”. Nigiri sushi được làm từ một chút cơm sushi được nén lại và phủ lên trên một lớp cá sống hoặc các loại hải sản khác. Đôi khi, một chút wasabi nhỏ được thêm vào giữa cơm và lớp hải sản trên cùng để tạo thêm hương vị. Bên cạnh cá và hải sản, còn có một số các loại nguyên liệu khác chẳng hạn như trứng tráng cuộn được gọi là “tamagoyaki” và thịt sống hoặc thịt khô xé nhỏ, chẳng hạn như thịt bò wagyu cũng được dùng làm nguyên liệu cho món sushi này.
Một số loại Nigiri Sushi phổ biến
Nigiri cá hồi
Có lẽ món sushi nổi tiếng nhất là nigiri cá hồi, bao gồm một lát cá hồi sống dày đặt trên một miếng cơm trộn giấm. Một loại nigiri cá hồi khác là “aburi” nigiri, trong đó cá hồi được nướng qua bằng đèn khò trước khi mang ra phục vụ.
Nigiri cá ngừ
Cá ngừ, hay còn được gọi là “maguro” trong tiếng Nhật, là một trong những loại sushi nigiri phổ biến nhất. Có một số loại sushi cá ngừ khác nhau, được phân theo loại thịt cá và cách thái. Có 5 loại cá ngừ thường được dùng làm sushi ở Nhật Bản, trong đó cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương được đánh giá cao nhất, ngoài ra cá ngừ vây xanh phía Nam và cá ngừ vây vàng cũng rất phổ biến.
Nigiri cá ngừ sử dụng thịt từ các phần khác nhau của cá. Một số phần có nhiều mỡ hơn những phần khác, giúp cho miếng nigiri thêm phần đậm đà hơn. Nigiri cá ngừ nạc nhất được gọi là “akami”, có màu đỏ đặc trưng và thường hơi da. “Chutoro” là phần thịt cá ngừ hơi béo và thường có màu đỏ nhạt hơn một chút. Phần thịt mỡ nhất được gọi là “otoro”, thường có màu hồng nhạt và tan chảy ngay trong miệng khi thưởng thức.
Ebi Nigiri
Nigiri được làm từ cơm sushi và bên trên là một miếng tôm. Nhiều loại tôm khác nhau được sử dụng làm món nigiri này, với loại phổ biến nhất là “kuruma ebi”. Tôm được xiên và luộc sơ qua trước khi thái mỏng. Phần đuôi thường được giữ nguyên để trang trí chứ không để ăn.
Unagi Nigiri
Unagi trong tiếng Nhật có nghĩa là “lươn”, một loại topping phổ biến khác cho món sushi nigiri. Để làm món unagi nigiri, lươn sẽ cần được luộc qua rồi đem đi nướng hoặc hun khói và đặt lên một miếng cơm sushi, thường được giữ cố định với một dải rong biển nhỏ gọi là “norimaki”. Giống như cá hồi, lươn đôi khi được nướng qua bằng đèn khò để khiến hương vị đậm đà hơn.
Hotate Nigiri
Hotate nigiri được làm bằng cách đặt những miếng sò sống mọng nước lên cơm sushi. Vị ngọt nhẹ với kết cấu mịn và mềm khiến món hotate nigiri vô cùng dễ ăn. Đôi khi món ăn này còn được phục vụ với một chút nước cam rưới lên trên để làm tăng thêm hương vị của sò điệp.
Maki Sushi
Maki sushi có nghĩa là “sushi cuộn” và cái tên này cũng phần nào thể hiện cách làm ra món ăn này. Các nguyên liệu cuốn được xếp trên một tấm rong biển khô gọi là “nori” có phủ một lớp cơm sushi, rồi được cuộn bằng một tấm chiếu tre “makisu”. Sau đó, makisu sẽ được cuộn lại để tạo thành một miếng maki sushi dài. Người ta sẽ dùng dao để cắt thành từng miếng nhỏ bằng nhau.
Một số loại Maki Sushi phổ biến
Futomaki
Futomaki có nghĩa là “cuộn dày”. Một loạt các loại nhân được sử dụng để làm nên món futomaki, bao gồm cả một số nguyên liệu khác ngoài cá và hải sản. Các loại rau như dưa chuột và củ cải muối cũng được sử dụng khá phổ biến, giúp cho món futomaki thêm giòn hơn. Futomaki được làm từ rau củ cũng rất phổ biến, khiến chúng trở nên hoàn hảo cho những người ăn chay và thuần chay.
Ehomaki
Ehomaki là một loại futomaki truyền thống được ăn vào ngày “setsubun” (Tiết phân) – một lễ kỷ niệm đánh dấu ngày cuối cùng của mùa đông và chào mừng mùa xuân sắp đến. Cùng với cơm và nori, món sushi cuộn này được làm từ 7 loại nguyên liệu tượng trưng cho Bảy vị thần may mắn. Tuy nhiên, không có một quy định nào cho món ehomaki này nên bạn có thể chế biến tùy thích. Theo truyền thống, ehomaki phải được ăn hướng về “hướng may mắn” – được quyết định bởi lịch chiêm tinh của Trung Quốc. Món ăn truyền thống này được cho là có nguồn gốc từ Osaka và có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nó cũng như một số biến thể khác.