Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, bên cạnh món Sushi nổi tiếng, thì khi nhắc đến rượu Nhật là người ta nghĩ đến Sake, một loại đồ uống truyền thống danh tiếng của xứ xở mặt trời mọc này.
1. Nguồn gốc lịch sử rượu Sake
Rượu Sake là tên của một loại rượu ủ từ gạo nổi tiếng của Nhật. Khởi nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước được du nhập vào xứ Phù Tang từ khoảng 300 năm trước công nguyên. Thời kỳ đầu, rượu Sake sản xuất chủ yếu để phục vụ hoàng gia, các đền chùa lớn hoặc trong các nghi lễ tôn giáo. Đến cuối thế kỷ 12, Sake mới dần trở thành thứ đồ uống được sử dụng phổ biến trong tầng lớp bình dân. Ngày nay, Sake vẫn thường xuyên được sử dụng trong các nghi thức truyền thống tại Nhật. Đối với người Nhật, nó đã vượt tầm của một thức uống thông thường. Từ thời cổ xưa, Sake đã được trân trọng cao độ. Những món đồ sứ hoặc gỗ được trang trí nghệ thuật dùng để thưởng thức rượu đã cho thấy giá trị và sự trân trọng mà người Nhật ưu ái dành cho loại thức uống này.
2. Quy trình sản xuất
Quy trình sản xuất rượu Sake vẫn được lưu giữ theo truyền thống, hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Rượu Sake được lên men từ gạo. Để ủ rượu Sake, chất đường được biến đổi từ tinh bột để tạo ra cồn. Đối với quy trình ủ bia, việc hoán chuyển từ tinh bột thành đường và từ đường tạo ra cồn được tách biệt trong 2 bước. Nhưng đối với sản xuất rượu Sake thì quá trình này xảy ra liên tục. Từ đó, nồng độ cồn cũng có sự khác biệt. Nồng độ cồn trong rượu vang thường là 9-16% độ cồn, trong các loại bia nồng độ dao động từ 3-9%, còn rượu Sake chưa pha thêm nước vào có nồng độ cồn khoảng 18-20% và nồng độ này thường được pha thêm nước trước khi đóng chai để giảm xuống còn khoảng 15% độ cồn theo thể tích của nước rượu.
Sake cũng giống như rượu vang, hương vị của nó phụ thuộc vào chất lượng thành phần, điều kiện thời tiết và kỹ thuật của người ủ rượu. Để đánh giá chất lượng từng loại rượu sake, người Nhật thường dựa vào các tiêu chuẩn về độ ngọt, độ nguyên chất của chúng. Người ta chia hương vị rượu Sake thành các cấp độ chính như: Tanrei là vị thơm ngon, Nojun uma-kuchi là vị đậm đà và mạnh… Rượu Sake có mùi vị thơm ngon khác nhau phù hợp với đa dạng các bữa ăn và khẩu vị của nhiều người. Ở Nhật Bản, mỗi vùng tạo nên một thương hiệu rượu Sake đặc trưng riêng biệt khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên cũng như phong cách ẩm thực của vùng đó. Tiêu biểu như Kochi lừng danh với loại rượu Sake nam, nguyên chất và rất mạnh. Còn Hiroshima lại nổi tiếng với Sake nữ với vị ngọt và tính rất dịu. Hay rượu Sake vùng Shizuoka nổi trội với hương vị trái cây được người dân vùng này ưa chuộng và tự hào. Còn người dân Niigata lại yêu thích và kiêu hãnh thưởng thức loại rượu sake nguyên chất mang mùi thơm đặc biệt của họ.
3. Cách thức thưởng thức
Rượu Sake có rất nhiều cách thức uống nguội, ấm hoặc nóng phụ thuộc thời thiết khi thưởng thức và theo từng loại Sake, có những loại Sake đặc biệt chỉ để thưởng thức lạnh. Vào mùa Đông, người ta thường thưởng thức Sake nóng. Sake nóng hay còn gọi là Atsukan, được đựng trong loại bình gốm nhỏ (Tokkuri) và dùng loại chén nhỏ thưởng thức (Choko). Sake được hâm nóng bằng cách chuyển sang chứa trong các bình bằng gốm, ngâm trong nước nóng cho tới khi rượu đạt nhiệt độ trên 50 độ C.
Ngoài ra, Sake còn được phân biệt thành hai loại nữ và nam. Sake nam trong thành phần được làm từ loại nước “cứng” có chứa nhiều muối canxi và muối magie tạo nên vị hơi đắng. Còn Sake nữ cấu thành từ loại nước “mềm” có vị thanh và dịu nhẹ.
Trong thưởng thức Sake, vật dụng dùng để uống Sake cũng có nhiều loại. Theo cách truyền thống và tương đối trang trọng, khi uống Sake, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi (Sakazuki), hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai (Ochoko). Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là Masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không. Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.
Trong những dịp lễ hội vui hay quan trọng như lễ thành niên, đính hôn, khánh thành… rượu Sake thường được người Nhật rót vào thùng có sừng (Tsunodaru) – một thùng màu đỏ có hai quai xách. Người Nhật vẫn lưu giữ phong tục truyền thống là dâng cúng rượu Sake lên thần linh rồi sau đó mới dùng thưởng thức trong bữa ăn. Trong lễ cưới truyền thống của người Nhật, cô dâu và chú rể sẽ được mời uống “3 hớp, 3 chén” rượu sake trong cùng một chén biểu tượng cho lời hứa chia sẻ ngọt bùi cũng như đắng cay trong cuộc sống. Khi hoa anh đào nở rộ cũng là lúc người dân xứ sở mặt trời mọc cùng bạn bè, người thân tổ chức các bữa tiệc Hanami (tiệc ngắm hoa) dưới tán hoa anh đào. Trong các bữa tiệc này, hương vị của rượu sake là một phần không thể thiếu. Vào dịp Oshogatsu (lễ hội Năm mới) hay các dịp ăn mừng, họ dùng chén Sakazuki và bình Choshi với màu đỏ và màu đen bóng. Bình dựng rượu để dâng cúng thần linh là loại bình màu trắng tinh khiết tượng trưng cho sự thiêng liêng. Vì vậy, rượu sake được xem là nét độc đáo và đặc sắc trong văn hoá Nhật Bản.
Sake cũng có thể pha chế với cocktail trái cây. Nhiều người vẫn thích thưởng thức trong ly cocktail của mình có thêm hương vị của Sake để tạo nên một hương vị phong phú. Ngoài ra, Sake cũng có thể pha với các loại rượu mùi khác để có một hương vị tổng hợp, đa dạng hấp dẫn người thưởng thức.